![]() |
Hình ảnh "anh giao hàng hèn mọn" của ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc - Ảnh: Twitter |
Dịch vụ chiều lòng khách mua hàng trực tuyến với tốc độ nhanh chưa từng có đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành e-commerce Trung Quốc. Và “vũ khí” của nhiều nhà bán lẻ khổng lồ nước này chỉ đơn giản là “anh giao hàng hèn mọn”.
Bán hàng trực tuyến kiêm giao hàng giá rẻ (hoặc miễn phí)
Ở phương Tây, các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon đang phải vật lộn với vấn đề làm sao để "bắc cầu" từ kho hàng của họ đến nhà riêng của người tiêu dùng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết lương trung bình của nhân viên giao hàng địa phương ở Mỹ khoảng 29.000 USD/năm. Trong khi công việc này ở Trung Quốc chỉ được trả khoảng 8.000 USD/năm. Khách hàng Mỹ phải trả 8,95 USD tiền vận chuyển, trong khi người mua hàng Trung Quốc chỉ mất 1,62 USD. |
"Bóng ma" của sự thất bại trong ngành công nghiệp thương mại "dot com" chính là Kozmo.com, với cam kết sẽ giao những món hàng nhỏ cực nhanh cho khách nhưng lại không giải quyết được vấn đề hiệu quả kinh tế.
Trái lại, khách hàng của trang bán hàng trực tuyến JD.com tại Trung Quốc - giống như mô hình Amazon - ở một số thành phố có thể đặt hàng trước 15g và nhận được hàng trước 12g đêm cùng ngày mà không cần phải trả thêm bất kỳ khoản phí vận chuyển nào.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử (e-commerce) Trung Quốc hiện triển khai hai cách tiếp cận tương phản để đưa hàng hóa đến tận tay khách.
Trang bán hàng trực tuyến JD.com dù đã có 24.000 nhân viên giao hàng trải khắp các địa phương, nhưng vẫn đang giải ngân số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) trị giá 1,8 tỉ USD hồi tháng 5-2014 để tuyển thêm nhân viên giao hàng.
Đối thủ gần nhất của hãng là Alibaba - cũng sẽ hoàn tất đợt IPO trong vài tháng tới - lại không có được mạng lưới hậu cần hoành tráng như JD.com, nhưng dựa vào một "hệ sinh thái" khổng lồ gồm nhiều công ty phân phối khác nhau. Alibaba đang điều hành một liên doanh với kế hoạch đầu tư 16 tỉ USD vào mảng hậu cần.
Lý do khiến các công ty e-commerce “rộng tay” với khách hàng của mình chính là giá thuê nhân viên giao hàng quá rẻ.
Trong khi ngành thương mại trực tuyến Mỹ xuất hiện tại thời điểm quốc gia này đã khá giàu có, thì hình thức mua hàng online Trung Quốc phát triển ngay khi nước này vẫn còn nghèo với lực lượng lao động giá bèo. Điều đó khiến giá nhân công giao hàng không phải là vấn đề khó nhằn với các công ty "dot com" của Trung Quốc.
Thách thức cho ngành chuyển phát nhanh
Các khoản đầu tư vào hậu cần của các công ty Internet ngày càng tăng đang gây biến động trong ngành công nghiệp chuyển phát nhanh Trung Quốc - hiện có 9.000 công ty được cấp phép, và ngân hàng Credit Suisse ước tính đã có khoảng 1 triệu nhân sự trong ngành này tính đến cuối năm 2013.
Công ty chuyển phát nhanh EMS của nhà nước nay phải cạnh tranh với các công ty thương mại trực tuyến tư nhân có bộ phận giao hàng riêng khi 60% đơn hàng chuyển phát nhanh xuất phát từ thương mại điện tử.
Tình hình trên đòi hỏi phải phải biến đổi nhiều hình thức chuyển phát nhanh đa dạng hơn. Các công ty như Sherpa’s - chuyên về dịch vụ giao hàng cho các nhà hàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Tô Châu - đã chọn lối phát triển bằng cách triển khai đội ngũ nhân viên giao hàng chạy xe máy xuất hiện nhan nhản trên đường phố.
Bình luận hay